N gày nay, các nhà phê bình tiến bộ thuộc mọi chân trời đều coi chủ nghĩa nhân văn là tiêu chí hàng đầu khi tìm hiểu giá trị tư tưởng của một tác phẩm nghệ thuật. Điều này sẽ không có gì phải bàn thêm nếu những nguyên tắc chung của chủ nghĩa nhân văn được đặt vào hoàn cảnh cụ thể - lịch sử để xem xét. Ấy là bởi không có chủ nghĩa nhân văn hoàn toàn đồng nhất và thống nhất đối với các tác phẩm nghệ thuật ở nọi nơi, mọi lúc và mọi tầng lớp xã hội. Người cộng sản có thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa nhân đạo cộng sản - những bộ phận cơ bản và trọng yếu trong hệ thống thế giới quan và nhân sinh quan ấy, được thăng hoa trong nghệ thuật trở thành chủ nghĩa nhân văn kiểu mới. Trước khi chủ nghĩa Mác - Lênin ảnh hưởng vào Việt Nam qua lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng của Người thì ở nước ta chưa hề xuất hiện một cuộc cách mạng tư tưởng nào cả. Vậy nên chủ nghĩa nhân văn cộng sản trong nghệ thuật là những gì thật sự mới mẻ chưa từng có trong lịch sử văn chương dân tộc. Trào lưu văn chương cách mạng - một bộ phận của nghệ thuật cách mạng đã được hình thành và phát triển cùng với quá trình vận động cách mạng và chiến tranh cách mạng ở nước ta. Lá cờ đầu đồng thời là đại diện xuất sắc của trào lưu ấy thuộc về nhà thơ lớn Tố Hữu. Vinh dự của Tố Hữu trong lịch sử văn chương dân tộc là ở chỗ, với thơ ông, lần đầu tiên chủ nghĩa nhân văn cộng sản đã được biểu hiện bằng một hình thức nghệ thuật nhuần nhị, đậm đà sắc thái truyền thống và thật sự say cuốn lòng người. Có thể thấy rõ điều đó qua bài "Tiếng hát sông Hương", tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn buổi đầu khi tâm hồn nhà thơ được chiếu dọi bởi lý tưởng cộng sản. Bài thơ được khởi nguồn từ tâm trạng và số phận người kỹ nữ trên sông Hương. Có một câu ca dao truyền tụng từ bao đời: Sông Hương nước chảy lờ đờ Dưới sông là đĩ trên bờ là vua Đây là một đề tài quen thuộc đối với văn chương công khai đương thời. Và chính ở đây đã làm nổi bật sự khác biệt, hơn thế sự đối lập, trong thái độ và quan điểm của Tố Hữu với các nhà văn, nhà thơ thuộc các trào lưu nghệ thuật khác. Viết về người kỹ nữ không thể không nói tới thời khắc hiện tại của đời họ. Nhà thơ đã không tránh né nỗi ô nhục đêm ngày dày vò cô gái: Trăng lên trăng đứng trăng tàn Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng Hoàn toàn không giống những trường hợp tương tự, từ "ôm" ở đây thể hiện một sự ràng buộc đến mức nghiệt ngã. Người kỹ nữ trong bài thơ không coi cuộc đời làm đĩ là một nguồn vui sống, một thứ thuốc trường sinh như nhân vật Tuyết trong "Đời mưa gió" của Tự lựcVăn đoàn. Phải dấn thân vào cuộc sống nhơ nhớp là chuyện cực chẳng đã. Tất thảy là vì sinh kế, nào có hay hớm gì! Bi kịch là ở chỗ đó: Cô gái buộc phải sống cuộc sống mà mình luôn cảm thấy xấu xa. Dằn vặt, đau khổ là khó tránh khỏi. Tố Hữu đã thật sự vươn tới cái nhìn hiện thực tiến bộ tạo cơ cở cho việc bộc lộ sự trân trọng, cảm thông của mình đối với người kỹ nữ. Điều người kỹ nữ ghê sợ nhất là sự ghẻ lạnh, khinh khi của người đời. Có nhiều tên gọi người kỹ nữ: Gái điếm, gái giang hồ, gái đĩ.. Tên gọi có thể khác nhau mà sự xem thường, khinh rẻ chỉ là một. Thấu hiểu điều đó, Tố Hữu duy nhất chỉ gọi người kỹ nữ một lần là "cô gái trên sông". Tấm lòng nhân đạo của nhà thơ không cho phép Tố Hữu dùng cách gọi khác. Đặc biệt Tố Hữu đã sử dụng biện pháp tượng trưng chứ không phải bút pháp tả thực khi thể hiện cuộc sống hiện thời của cô gái: Thuyền em rách nát Mà em chưa chồng Em đi với chiếc thuyền không Khi mô vô bến rời dòng dâm ô! Tượng trưng thường được các nhà nhân văn chủ nghĩa sử dụng trong những trường hợp tương tự nhằm tránh rơi vào chủ nghĩa tự nhiên và tránh động vào vết thương lòng của những người mà thân xác không còn trong sạch. Nguyễn Du viết về Kiều khi "con ong đã tỏ đường đi lối về" là: "Thân lươn bao quản lấm đầu". Ở đây, Tố Hữu nói sự "rách nát", sự trôi nổi vô định của con thuyền trên "dòng dâm ô" chính là để nói về con người và cuộc đời của người kỹ nữ. Liệu có hình ảnh nào đích đáng hơn thế! Chủ nghĩa nhân văn cộng sản đặc biệt bộc lộ qua những vần thơ hướng về tương lai. Kết thúc tiếng hát thê lương của cô gái là một câu hỏi nhức nhối: Thuyền em rách nát còn lành được không? Đã rõ là càng hát, càng giãi bầy lòng mình, cô gái càng cảm thấy khổ não, tuyệt vọng mà câu hỏi trên là đỉnh điểm. Có cảm tưởng cô gái hoàn toàn bất lực, gục xuống nức nở. Rất kịp thời, nhà thơ cộng sản đã nâng cô dậy, không phải vỗ về bằng những lời khuyên nhủ có lẽ đã quá thừa đối với cô mà bằng việc khẳng định tương lai tươi sáng, sẽ đến, chắc chắn sẽ đến với cô và những thân phận như cô: Răng không cô gái trên sông Ngày mai.. Ngày mai.. Ngày mai.. Điệp khúc "Ngày mai", "Ngày mai" dồn dập như niềm tin không gì suy suyển. Đó là bởi nó được xây dựng trên một nền tảng vững vàng. Lý tưởng cộng sản đã cho phép nhà thơ nhìn rõ thực tại và phóng tầm mắt về tương lai. Cuộc đổi đời triệt để đến ngỡ ngàng, trên cả những ước mơ: Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài.. Ấy là bởi sự đổi đời của từng số phận gắn với sự đổi đời của hàng triệu, hàng triệu số phận cùng khổ khác: Ngày mai bao lớp đời dơ Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay Lay động và thuyết phục nhất là sự đổi đời sẽ diễn ra ngay tại đây, ngay trên dòng sông tưởng như định mệnh này: Trên dòng Hương Giang.. Ý thơ để ngỏ, lời thơ mở ra. Viễn ảnh lúc này có thể còn pha chút lãng mạn nhưng thực tế đã le lói những tia hy vọng rạng ngời. Để bẩy năm sau, vào những ngày tháng Tám lịch sử: Chừ đây, Huế, Huế ơi, xiềng gông xưa đã gẫy Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc! (Huế tháng tám) Trong tiếng khóc, tiếng cười hồ hởi kia có tiếng khóc tiếng cười của cô gái năm nào. Càng đọc càng yêu thơ Tố Hữu, càng thấm thía lời của nhà phê bình Hoài Thanh: Sức hấp dẫn chủ yếu của thơ Tố Hữu là sức hấp dẫn của lý tưởng cộng sản . Tệ mại dâm có lẽ là vấn đề sẽ còn tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội, việc giải quyết nó không hề giản đơn nhất là không thể chỉ bằng lòng mong mỏi, tin cậy. Nhưng, nếu đặt vào hoàn cảnh đương thời, lại biết đây là tiếng nói nghệ thuật, thì cái nhìn của Tố Hữu thật quý giá biết bao!